Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp viện của NCS Nguyễn Minh Đăng
Thứ 3, ngày 27/4/2021
Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp viện của NCS Nguyễn Minh Đăng
Ngày 27/4/2021 Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Viện thuộc chuyên ngành Hóa lý thuyết và Hóa lý, mã số 9.44.01.19 cho NCS Nguyễn Minh Đăng với đề tài luận án:
“Nghiên cứu tổng hợp và biến tính xúc tác oxi hóa điện hóa ethanol Pt/rGO và Pd/rGO, ứng dụng chế tạo mực xúc tác cho anode trong pin nhiên liệu DEFC”
NCS. Nguyễn Minh Đăng báo cáo kết quả đạt được của luận án trước Hội đồng bảo vệ cấp Viện
Dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS Vũ Thị Thu Hà và GS.TS Lê Quốc Hùng, luận án đã có những đóng góp và giá trị mới như:
- Tổng hợp được xúc tác Pd/rGO biến tính bẳng tổ hợp Al-Si-Na (Pd-Al-Si-Na/rGO), có hoạt tính cao cho phản ứng oxy hoá điện hoá ethanol trong môi trường kiềm. với IF đạt 16138 mA mgPd-1, cao hơn các giá trị hoạt tính xúc tác trên cơ sở Pd trong các công trình đã được công bố. Làm rõ được vai trò của Na trong việc tăng độ bền hoạt tính và khả năng chống ngộ của xúc tác Pd/rGO biến tính (thể hiện ở giá trị IF sau 500 vòng quét thế-dòng tuần hoàn giảm khoảng 32%), là do sự tạo thành pha lập phương NaPd3O4 khi có mặt của Na có độ hoạt động và độ bền cao, dẫn tới tăng độ liên kết giữa Pd và chất mang rGO.
- Xác định được ethanol là dung môi thích hợp nhất trong số các dung môi được khảo sát (nước, n-butylacetate, isopropanol và ethanol) để pha chế mực xúc tác CI-Pt-Al/rGO, phủ trên điện cực anode của pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp ethanol, cho phép xúc tác thể hiện hoạt tính cao nhất trong phản ứng oxy hoá điện hoá ethanol trong cả môi trường acid (IF đạt 1.793 mA mgPt-1) và kiềm (IF đạt 4.751 mA mgPt-1). Không quan sát thấy sự xuất hiện các vết nứt trên bề mặt điện cực sau khi phủ mực xúc tác. Mật độ công suất cực đại của pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp ethanol - màng trao đổi proton (PEM-DEFC) và màng trao đổi anion (AEM-DEFC), với anode phủ mực CI-Pt-Al/rGO, đạt giá trị cao nhất, tương ứng 19,10 mW cm-2 và 27,07 mW cm-2.
- Chế tạo được anode phủ mực xúc tác CI-Pd-Al-Si-Na/rGO, ứng dụng trong AEM-DEFC. Không quan sát thấy các vết nứt trên bề mặt điện cực sau khi phủ mực xúc tác. Mật độ công suất cực đại của DEFC đạt 43,0 mW cm-2. Hiệu suất chuyển hoá năng lượng đạt 7,83% sau hơn 7 giờ làm việc với điện thế ổn định ở khoảng 0,5 đến 0,6 V, cao hơn so với công trình đã được công bố về pin AEM-DEFC với xúc tác trên cơ sở Pd.
Các kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế ISI và tạp chí trong nước.
Lễ bảo vệ luận án được tiến hành theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và cơ sở đào tạo là Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam. Trong không khí trang trọng với sự chứng kiến của đại diện Viện hóa học Công nghiệp Việt Nam, tập thể cán bộ hướng dẫn khoa học, các nhà khoa học, đồng nghiệp, gia đình và bạn bè, NCS Nguyễn Minh Đăng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trước Hội đồng bảo vệ luận án cấp Viện.
Một số hình ảnh trong lễ bảo vệ:
Hội đồng nhận xét và đưa ra các câu hỏi cho NCS
Đ/c Vũ Thu Hà – Phó Viện trưởng Viện Hóa học CNVN, đại diện cho cơ sở đào tạo cũng như người hướng dẫn cho NCS, phát biểu ý kiến
NCS Nguyễn Minh Đăng chụp hình lưu niệm cùng Hội đồng
Thông tin điểm mới của Luận án (Tiếng Anh)
Thông tin điểm mới của Luận án (Tiếng Việt)
Tóm tắt Luận án (Tiếng Anh)
Tóm tắt Luận án (Tiếng Việt)
Luận án